Trong bài viết này, Abientan sẽ chia sẻ cho các bạn một số giải pháp liên quan đến việc cho nhiều động cơ chạy đồng tốc với nhau bằng biến tần.
Giải pháp đồng tốc biến tần chạy nhiều động cơ
Khái niệm đồng tốc bằng biến tần có hai cách hiểu như sau:
1. Một biến tần chạy cho nhiều động cơ
Một biến tần có thể sử dụng cho nhiều động cơ giúp tiết kiệm chi phí, thường ứng dụng cho:
- Hai motor chạy dầm biên cho cầu trục thì chỉ cần sử dụng 1 biến tần, mục đích là để đồng tốc dễ hơn, tương tự đó là chạy cho chân máy cưa gỗ cd chạy trên ray.
- Hệ thống nhiều quạt, công suất nhỏ khoảng 0.75kw 1.1kW, thì người ta cũng tận dụng khả năng này để chạy, phổ biến của hệ thống thông gió cho trang trại nuôi heo, gà, bò.
- Hệ thống quạt sục khí của ao nuôi thủy hải sản tôm cá.
- Với máy in cũng dùng chung 1 biến tần để tạo ra tốc độ đồng bộ trên các lô.
- Băng tải gồm nhiều đoạn và sử dụng các động cơ 3 pha độc lập muốn chạy cùng 1 tốc độ cho dễ điều khiển người ta cũng lựa chọn phương án này.
Một biến tần chạy cho nhiều động cơ, thì tất cả đều đấu trực tiếp vào biến tần và cùng chạy, dừng đồng thời. Còn đối với hệ thống bơm điều áp một biến tần chạy cho nhiều bơm nước thì trong 1 thời điểm biến tần chỉ điều khiển cho một bơm, còn các bơm còn lại chạy bằng khởi động từ hoặc khởi động mềm.
Lưu ý
- Khi sử dụng 1 biến tần chạy nhiều motor thì không có khả năng bảo vệ cho từng motor.
=> Nên dùng relay nhiệt cho từng motor.
- Nên chọn loại có công suất biến tần lớn hơn tổng công suất của các động cơ từ 1.3-1.5 lần để đảm bảo độ bền.
=> Ví dụ như dùng biến tần cho 2 motor mỗi con 0.4kW thì tổng công suất là 0.8kW nhân với hệ số an toàn, thì phải chọn loại khoảng 1.5kW.
Thường chỉ sử dụng trong một số trường hợp đặc thù, còn nếu trong trường hợp bình thường thì khuyên các bạn nên sử dụng 1 biến tần cho 1 động cơ là tốt nhất.
2. Đồng tốc nhiều biến tần
- Dùng 1 biến trở để đồng tốc biến tần
=> Ví dụ như trong biến tần sẽ thường có 3 chân đấu biến trở bao gồm +10V, GND và AI1 thì chân +10v và GND của biến trở sẽ đấu vào biến tần số 1, sau đó đấu chân giữa biến trở vào AI1 của tất cả các biến tần còn lại.
=> Nên chọn biến tần cùng 1 hãng để đảm bảo tín hiệu áp đọc về của các chân này giống.
=> Nhược điểm của phương án này là nếu các biến tần đặt quá xa nhau, làm suy giảm tín hiệu biến trở, chất lượng đồng tốc giảm.
=> Khi có một hay nhiều biến tần trong hệ thống bị lỗi không chạy được, thì các biến tần còn lại vẫn chạy.
=> Thường áp dụng cho hệ thống biến tần băng tải.
- Dùng ngõ ra analog của biến tần này nối sang ngõ vào analog của biến tần kia.
=> Ví dụ như ta sẽ dùng ngõ ra AO1 GND của biến tần 1 nối vào AI1 và GND của biến tần số 2 để đồng bộ.
=> Cần cài đặt chức năng ngõ ra analog của biến tần số 1 là tần số đang chạy để đảm bảo khi biến tần chưa chạy thì chưa xuất ngõ ra.
=> Ưu điểm là hệ thống sẽ chạy tương đối đồng bộ với nhau, biến tần đầu tiên chạy thì các biến tần còn lại sẽ chạy đồng bộ theo .
=> Nhược điểm là biến tần phía sau bị lỗi thì biến tần phía trước vẫn tiếp tục chạy.
=> Khi sử dụng cách này bạn cần lưu ý cài đặt tỷ lệ hay còn gọi là scale để đảm bảo tốc độ các biến tần nhau trong quá trình đồng tốc.
- Điều khiển biến tần bằng truyền thông để đồng tốc
=> Đây là giải pháp tối ưu nhất. Người thiết kế máy móc cần phải có plc hay bộ điều khiển để quản lý tốc độ của các biến tần sao cho đồng bộ với nhau.
=> Cần đọc trạng thái báo lỗi từ tất cả biến tần, để dừng hệ thống khi phát sinh lỗi.
=> Ưu điểm là mức độ đồng tốc sẽ đạt hiệu quả tối đa
=> Nhược điểm đòi hỏi kỹ sư thiết kế phải biết lập trình truyền thông.
Lưu ý
Chất lượng đồng tốc còn phụ thuộc vào: sai số điện áp ngõ ra biến tần, sai số động cơ (thiết kế và độ trượt). Vì vậy cần lưu ý:
- Nên ưu tiên chế độ điều khiển vector vòng hở để tăng độ chính xác của tốc độ.
- Nếu yêu cầu sai số giữa tốc độ của các động cơ mức thấp nhất có thể thì nên chọn các dòng biến tần hỗ trợ chức năng điều khiển vòng kín có hồi tiếp encoder.
Dịch vụ hỗ trợ
Nếu quý khách hàng có gặp khó khăn gì trong quá trình đồng tốc nhiều biến tần và động cơ thì vui lòng liên hệ với abientan để được tư vấn và trợ giúp. Phí hỗ trợ có thể miễn phí hoặc tính phí tùy trường hợp.